Trước việc vẫn có ý kiến đề nghị áp thuế luỹ tiến từ nhà thứ hai, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết sẽ tiếp thu, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu khi sửa luật về thuế. Cùng Vamihomes theo dõi bài viết bên dưới ngay nhé!
Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi lấy ý kiến toàn dân, đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Vấn đề tài chính đất đai, giá đất nhận nhiều góp ý nhất.
Theo đó, có ý kiến nhân dân kiến nghị áp dụng các loại thuế, phí như thuế lũy tiến với người mua nhà thứ hai trở lên và theo thời gian bán bất động sản. Đồng thời, đánh phụ phí cao với bất động sản tại khu vực, thành phố trung tâm, nhằm hạn chế đầu cơ, nhà hoặc đất không sử dụng.
Chính phủ cho biết Nghị quyết 18 của Trung ương nêu quan điểm “quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đầu cơ, bỏ đất hoang”. Vì thế, ở lần sửa đổi này, dự Luật Đất đai bổ sung quy định dự án bỏ hoang, chậm tiến độ sẽ bị tăng tiền sử dụng đất, thuê đất.
Tuy nhiên, mức thuế suất cụ thể, theo cơ quan soạn thảo – Bộ Tài nguyên & Môi trường – phải được quy định tại luật về thuế. Do đó, cơ quan này cho hay sẽ báo cáo, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo luật về thuế nghiên cứu.
Tại một hội thảo góp ý dự Luật Đất đai (sửa đổi) hồi tháng 3, các chuyên gia cho rằng cần có những quy định rõ về đối tượng sẽ bị áp mức thuế cao hơn, được miễn, giảm, hưởng ưu đãi về thuế. Về lâu dài, chuyên gia khuyến nghị cần nghiên cứu áp dụng thuế bất động sản với nhà thứ hai trở lên.
Hiện, Singapore là một trong số quốc gia áp dụng thuế này, với mức thuế 7% với người mua nhà thứ hai và 10% với nhà thứ ba. Nước này cũng áp thuế theo thời gian bán bất động sản, như bán nhà trong năm đầu sau khi mua sẽ bị đánh thuế 16%, bán vào năm thứ hai thì mức thuế giảm về 12%, năm thứ ba là 8% và sau năm thứ tư không bị áp thuế, phí này.
Thực tế, đây không phải là lần đầu việc đánh thuế bất động sản thứ hai được đưa ra thảo luận. Cách đây 6 năm, Chính phủ cũng từng đề xuất thí điểm đánh thuế bất động sản thứ hai tại TP HCM, nhưng sau đó không được thông qua. Có nhiều ý kiến phản biện, một trong số đó là thời điểm đánh thuế lúc đó vẫn còn quá sớm.
Năm ngoái khi dự thảo cơ chế đặc thù thí điểm tiếp theo cho TP HCM sau khi Nghị quyết 54 hết hiệu lực, thành phố cũng từng đề nghị được thí điểm áp thuế này. Tuy nhiên sau khi lấy ý kiến, các bộ ngành cho rằng chưa nên đánh thuế nhà, đất thứ hai tại TP HCM vì chính sách này “không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp”.
Về bảng giá đất, báo cáo của Chính phủ cho biết có góp ý từ nhân dân đề nghị không đưa ra bảng giá đất định kỳ hàng năm, mà điều chỉnh khi có biến động từ 20% trở lên và ban hành 2-5 năm một lần hoặc theo từng giai đoạn.
Chính phủ cho biết thực tế áp dụng vừa qua, ban hành bảng giá đất 5 năm một lần khiến giá đất thấp hơn giá thị trường, do chưa thực hiện được theo dõi chỉ số biến động giá thị trường. Do vậy, bảng giá đất cần được ban hành hàng năm để đảm bảo giá phù hợp thị trường, tránh thất thu ngân sách và khiếu kiện Nhà nước thu hồi đất.
Cơ quan soạn thảo cũng tiếp thu, bổ sung quy định, với bảng giá đất 5 năm đã được địa phương ban hành trước thời điểm Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực, thì được tiếp tục áp dụng đến hết kỳ của bảng giá.
Liên quan đến thu hồi đất, theo Chính phủ, tiếp thu góp ý của nhân dân, đại biểu Quốc hội, dự thảo lần này đưa ra các trường hợp cụ thể Nhà nước sẽ thu hồi đất để thực hiện các công trình công cộng, như giao thông, thủy lợi, năng lượng, bưu chính viễn thông, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, khu – cụm công nghiệp…
Tuy nhiên, Nhà nước thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu chọn nhà đầu tư với các dự án có chênh lệch địa tô cao như dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Góp ý trước đó, Uỷ ban Kinh tế – cơ quan thẩm tra, lưu ý dự thảo luật cần phân biệt rõ hơn giữa mục đích phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và mục đích kinh tế đơn thuần để minh bạch trong thu hồi đất. Việc này cũng nhằm tránh bị lạm dụng, gây bức xúc cho người sử dụng đất, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc việc thu hồi đất với dự án nhà ở thương mại để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và sẽ tiếp tục được thảo luận tại kỳ họp thứ 5, dự kiến khai mạc ngày 22/5.
Đừng quên truy cập Vamihomes.vn để xem các dự án nhà đất Thủ Đức!