Hãy cùng VamiHomes theo dõi ngay bài viết dưới đây nhé!
Rà soát, khắc phục các hạn chế
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhận định, các quy định pháp luật về đất đai từ năm 2013 đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Có thể kể đến các vấn đề như tài chính đất đai, vấn đề quyền của doanh nghiệp phát triển các dự án có sử dụng đất, vấn đề xây dựng các công trình ngầm, công trình trên không, các quy định về công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủ tục hành chính về đất đai.
Tất cả những điều này đặt ra những bài toán mới cho sự phát triển bền vững của đất nước. Chủ tịch VCCI bày tỏ mong muốn với tinh thần hợp tác, đóng góp, cùng xây dựng, sẽ có nhiều ý kiến hay, xác đáng xuất phát từ thực tiễn của các doanh nghiệp, đóng góp cho các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định.
Nhấn mạnh về những hạn chế trong pháp luật đất đai, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư bất động sản Toàn Cầu cho rằng quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Chương 7) chưa có sự phân định rõ rệt giữa các loại đất bị thu hồi và bồi thường.
Theo đó, cần phân ra rõ ràng, tách bạch khái niệm đền bù giữa đất nông nghiệp và đất ở, đất thương mại.
Cụ thể, đất nông nghiệp là Nhà nước giao đất cho các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, không thu tiền sử dụng đất, nên khi bị thu hồi chỉ được đền bù hoa màu và chi phí đã đầu tư vào đất theo quy định.
Đối với đất ở và đất thương mại, dịch vụ khi thu hồi, cần đền bù thỏa đáng theo phương án bồi thường do chính quyền quyết định bảo đảm cho đời sống của người dân không bị thua thiệt, nhưng cần làm rõ một vấn đề: Giá đền bù phải được thực hiện theo đúng phương án giá đền bù đã được phê duyệt, không thể thực hiện bằng phương án tự thoả thuận giữa từng hộ gia đình với chủ đầu tư.
>>> Xem thêm: DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: CƠ HỘI THỂ HIỆN QUAN ĐIỂM CỦA NHÂN DÂN TOÀN QUỐC.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch, PGS. TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật-Văn phòng Chính phủ cho rằng, Luật Đất đai là một đạo luật lớn, bao trùm và liên quan đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đặc biệt là các quan hệ dân sự, đầu tư, kinh doanh bất động sản, tác động đến mọi chủ thể trong xã hội. Do vậy, đạo luật này có nhiều quy định liên quan đến nhiều luật, bộ luật hiện hành.
Theo đó, để bảo đảm sự tương thích, tránh mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột giữa Luật Đất đai với các luật khác hiện hành, cần phải có những rà soát, so sánh, đánh giá kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật Đất đai với các luật khác trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, nếu có xung đột pháp luật thì cần phải xử lý, bảo đảm các quy định phải rõ ràng, minh bạch, tránh gây khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện luật.
Sửa đổi đồng bộ, công bằng
GS.TS Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, đề xuất cần điều chỉnh một số quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để tạo điều kiện thuận lợi, công bằng cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở y tế tư nhân như cơ sở y tế công lập. Điều này bao gồm xác định rõ loại đất dùng cho cơ sở y tế tư nhân thuộc đối tượng dự án Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là các dự án lấn biển.
Ông Đệ kiến nghị bổ sung các hình thức khác cho dự án lấn biển, chẳng hạn như dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngoài đầu tư công hoặc dự án lấn biển theo phương thức đối tác công – tư. Đồng thời, sửa đổi Luật Đất đai cần đi kèm với sửa đổi các luật liên quan như Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư để tạo hành lang pháp lý cho lựa chọn nhà đầu tư các dự án có cấu phần lấn biển.
Đối với chuyên gia bất động sản Nguyễn Văn Đính, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa quy định đầy đủ về chế độ sử dụng đất hình thành từ hoạt động lấn biển, và ông đề xuất bổ sung quy định về quản lý, sử dụng đất này. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Đất đai cần liên kết với sửa đổi các luật liên quan như Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư để đảm bảo hợp lý và triển khai các dự án lấn biển một cách hiệu quả.
>>> Xem ngay: NHỮNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2013 (SỬA ĐỔI)
Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Giám đốc Công ty Luật Bizlink, đánh giá rằng Dự thảo Luật Đất đai đã có những tiến bộ và sát với tinh thần của Nghị quyết 18 về việc hoàn thiện cơ chế xác định giá đất. Tuy nhiên, ông cho rằng việc quy định áp dụng bảng giá đất và giá đất cụ thể cần làm rõ nguyên tắc và tiêu chí áp dụng để đảm bảo tính đầy đủ và rõ ràng, minh bạch.
Ông Mạnh đề xuất Ban soạn thảo nên xem xét, nghiên cứu các quy định cụ thể hơn liên quan đến việc xác định giá đất, và cần tham khảo các cách xác định giá của các quốc gia khác để điều chỉnh và bổ sung phù hợp. Đồng thời, ông cảnh báo về khả năng gây lúng túng và khó khăn trong thực tiễn nếu các quy định về giá đất vẫn chung chung và không rõ ràng.
Ông Mạnh cũng nhấn mạnh về tình trạng quy định quá nhiều thẩm quyền cho cùng một cơ quan khi tiến hành công tác bồi thường do Nhà nước thu hồi đất, có thể gây ra lạm dụng quyền và những quyết định bất hợp lý, bất công, bất lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ông đề xuất cân nhắc vai trò của HĐND trong quá trình quyết định về giá đất và đảm bảo tính công bằng trong quá trình này.
Trên đây là những nội dung chính thức từ Hội thảo lấy ý kiến góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 08/03. Hy vọng bạn đọc sẽ nắm bắt đầy đủ tin tức về Hội thảo lần này.
>>> Đừng quên truy cập tại đây để xem thêm các tin tức khác về thị trường bất động sản.
>>> Xem thêm: Hạn mức đất ở khi thay đổi mục đích sử dụng đất được tính như thế nào?